WTF Taekwondo: Những điểm khác nhau giữa Taekwondo ITF và WTF

WTF Taekwondo hay Liên đoàn Taekwondo Thế giới (World Taekwondo Federation) là tổ chức đại diện, quản lý bộ môn thể thao Taekwondo tại Thế vận hội Olympic. Taekwondo ITF và WTF là hai tổ chức của bộ môn Taekwondo, đại diện cho hai hệ phái riêng biệt của môn võ này.

Về mặt lý thuyết, hệ phái WTF bắt nguồn từ ITF và ta có thể nói rằng WTF là một phân nhánh của ITF nhưng đã phát triển và tách biệt hoàn toàn. Tại sao Taekwondo ITF và WTF tách ra thì lại thuộc về vấn đề chính trị nên tôi xin phép không lạm bàn. 

Ở trong bài viết này, ta sẽ chỉ bàn về các vấn đề khác như kỹ thuật, phương pháp, hệ thống tổ chức,... thôi nhé!

Phương pháp rèn luyện

WTF Taekwondo chú trọng nhiều vào những động tác tăng cường tính dẻo dai cho cơ thể như xoạc ngang, xoạc dọc, ép dẻo,... và xoay các khớp rất nhanh, mạnh. Phương pháp luyện tập này sẽ khiến bạn giãn cơ hết sức và đôi chân của bạn cũng ngày một dẻo hơn. 
Từ đó đôi chân của bạn sẽ nhanh, dẻo như một sợi dây thun. Về sức mạnh của đòn đá thì tùy vào khả năng của mỗi người, song WTF Taekwondo chú trọng vào gia tốc và tốc độ nên nhìn chung sức mạnh đòn đá cũng rất đáng kể. Các bạn tưởng tượng mình bị một cây gậy dẻo đánh vào đau như như thế nào thì lực của đòn đá WTF Taekwondo tương tự như vậy. 

Tuy nhiên, người tập càng lớn tuổi thì càng gặp nhiều khó khăn khi rèn luyện theo phương pháp này. Bởi theo lẽ hiển nhiên, cơ thể ta càng về già thì độ trơn ổ khớp, dịch khớp và sức bền của cơ không còn được như khi còn trẻ. Vì vậy, việc tập luyện của ta chắc chắn sẽ gặp ít nhiều khó khăn.

Đối với Taekwondo ITF, người tập cũng cần ép dẻo nhưng theo con đường hoàn toàn khác WTF. Taekwondo ITF chú trọng vững và mạnh trước rồi mới từ từ dẻo sau. 
Hầu hết các động tác khởi động của ITF rất nhẹ nhàng. Nếu có cơ hội, các bạn sẽ thấy một võ sinh ITF không cần khởi động mà vẫn có khả năng thực hiện tất cả đòn đá. Không bàn đến hiệu quả, theo ý kiến cá nhân của tôi, độ đẹp mắt của đòn đá Taekwondo ITF không bằng WTF.

Kỹ thuật và thi đấu đối kháng

WTF Taekwondo khi mới tách khỏi ITF thì cũng không có nhiều sự khác biệt. Nhưng vì một vài lý do mà WTF tinh chỉnh một số kỹ thuật để tách bạch riêng thành một môn võ mới. 

Về các kỹ thuật chân thì ai cũng phải công nhận là người tập WTF Taekwondo có đôi chân rất nhanh và dẻo, khi đá nhìn như hai sợi dây quật vào đối thủ. Chính vì vậy, họ có thể thi triển rất nhiều đòn đá nhanh và đẹp mắt. 

Taekwondo ITF thì chú trọng vào sự thăng bằng, kết quả và lực của các đòn đá. Ví dụ: Trong thi đấu, WTF Taekwondo vẫn có thể được công nhận khi đá knock-out đối thủ rồi ngã. Trong khi đó, ở hệ phái ITF, bất kỳ kỹ thuật nào được tung ra mà mình bị té ngã thì không được chấp nhận.

Hơn nữa, WTF Taekwondo khi thi đấu chỉ được phép sử dụng đòn đấm thẳng vào ngực, không được đấm lên mặt. Bạn để ý trong các trận đấu của WTF Taekwondo ở Sea Games hay Olympic, các vận động viên đối kháng buông lỏng hai tay ở phần lớn thời gian. Ý nghĩa của hành động thả lỏng này là để thuận tiện cho việc tăng tốc ra đòn của vận động viên. Bởi lẽ bạn không thể đá nhanh và liên tục khi hai tay luôn ở trạng thái gồng cứng.

Ngoài ra, trong WTF Taekwondo, khi thi đấu thì vận động viên phải đeo giáp bảo hộ ngực có gắn chip tính điểm, trong khi Taekwondo ITF thì không. Do vậy, để ghi điểm thì vận động viên WTF Taekwondo phải thực hiện những đòn tấn công thấu, âm thì chip mới tính điểm. Còn trong Taekwondo ITF thì vận động viên chỉ cần ghi điểm chạm (snap) là được rồi.

Về thời gian thi đấu, các trận đấu WTF Taekwondo thường có 3 vòng, mỗi vòng kéo dài 2 phút, giữa các vòng được nghỉ giải lao 1 phút. Trong khi đó, các trận đấu của Taekwondo ITF lại có 2 vòng, mỗi vòng kéo dài 2 phút, giữa các vòng cũng được nghỉ giải lao 1 phút.

Hệ thống tổ chức

Về vai trò của hai hệ phái, các tổ chức Taekwondo ITF khu vực có trách nhiệm duy trì việc đăng ký thành viên và cấp bậc đai. Trong khi đó, đối với WTF Taekwondo, Kukkiwon (Viện Hàn lâm Taekwondo Thế giới) có trách nhiệm duy trì đăng ký thành viên và cấp đai. WTF chỉ là một tổ chức đại diện, quản lý bộ môn thể thao Taekwondo tại Thế vận hội Olympic.

Về võ phục, Taekwondo ITF có võ phục màu trắng, có thể có khóa kéo ở giữa. Võ sinh đai đen mặc võ phục có sọc đen ở dưới vạt áo. Từ 4 đẳng trở lên, võ phục có thêm sọc ở tay áo và quần. Võ phục WTF Taekwondo có màu trắng, cổ chữ V với nhiều màu sắc khác nhau trên cổ. Biến thể của võ phục Taekwondo WTF cũng nhiều hơn, tùy thuộc vào mục đích sử dụng (đối kháng, quyền pháp, biểu diễn,...).

Về hệ thống đai, phần này tôi đã nêu khá rõ về hệ thống đai Taekwondo WTF rồi, nên lần này ta chỉ điểm qua thôi nhé! Taekwondo ITF có 10 cấp (Geup) đai màu và 9 đẳng (Dan) đai đen. Trong khi đó, WTF Taekwondo có 8 cấp (Geup) đai màu và 10 đẳng (Dan) đai đen.

Quyền pháp

Trong Taekwondo ITF, có 24 bài quyền được gọi là “Tul”. Trong các bài quyền của hệ phái này, người thực hiện phải thực hiện chuyển động như đồ thị sóng hình sin.

Còn trong Taekwondo WTF, Hệ thống quyền bao gồm 17 bài quyền được gọi là 
“Poomsae” và không chuyển động cơ thể theo đồ thị sóng hình sin như ITF. Các môn sinh từ Geup 8 đến Geup 1 phải luyện 8 bài quyền cơ bản, thường là mỗi cấp một bài. 

Tùy theo từng võ đường mà đó có thể là 8 bài Taegeuk (Thái cực) hay 8 bài Palgwe Bát quái. Các bài Palgwe về kỹ thuật giống các bài Taegeuk, nhưng số lượng động tác và đồ hình di chuyển có khác nhau đôi chút. Tuy nhiên, theo quan sát của tôi, các võ sinh ở Việt Nam thường chỉ tập và chỉ biết đến hệ thống quyền Taegeuk. Các môn sinh từ đai đen trở lên luyện 9 bài quyền cao cấp.



#sltninhbinh #hocvoninhbinh #dayvoninhbinh #taekwondoninhbinh #taekwondo #taekwondovietnam
WTF Taekwondo
Published:

WTF Taekwondo

Published:

Creative Fields