SLT Ninh Bình's profile

Học võ Taekwondo

Học Võ Taekwondo: Hướng dẫn chi tiết và đăng ký tập thử MIỄN PHÍ

Học võ Taekwondo đem đến cho chúng ta rất nhiều lợi ích về cả sức khỏe lẫn tinh thần. Sau đây, hãy cùng SLT Ninh Bình tìm hiểu về môn võ bắt nguồn từ đất nước Hàn Quốc này nhé. Bật mí: Thông tin về chương trình miễn phí tập thử có ở cuối bài viết!

Giới thiệu môn võ Taekwondo

Taekwondo (태권도 - Đài Quyền Đạo) là bộ môn võ thuật lâu đời được bắt nguồn từ đất 
nước Hàn Quốc. Theo ghi chép, Taekwondo có thể đã xuất hiện từ thời kỳ Cao Ly năm 37 trước Công Nguyên. Cũng như nhiều môn võ khác trong khu vực Đông Á, Taekwondo chịu ảnh hưởng rất lớn từ các nền võ thuật lân cận như Trung Quốc và Nhật Bản.

Trong tiếng Hàn, Tae (태) có nghĩa là “cước pháp”, “Kwon” (권) nghĩa là “thủ pháp”, và “Do” (도) có nghĩa là “đạo, con đường” hay “nghệ thuật”. Chính vì vậy, hiểu một cách đơn giản, Taekwondo có nghĩa là “Nghệ thuật đấu võ bằng tay và chân”.

Tại Việt Nam, Taekwondo được du nhập vào đất nước ta trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Môn võ này được người dân biết đến thông qua các chuyến lưu diễn của các đoàn Taekwondo Triều Tiên. Trung tâm dạy võ Taekwondo chính thức đầu tiên ở nước ta được mở tại Sài Gòn, do võ sư Nam Tae Hi đảm nhiệm.

Tính đến nay, võ Taekwondo đã trở thành một trong những bộ môn được rất nhiều người theo đuổi và luyện tập. Không dừng lại ở đó, đây còn là nội dung thể thao mũi nhọn của Việt Nam tại các đấu trường trong khu vực và quốc tế.

Các bài tập Taekwondo cơ bản cho người mới học

Sau đây là một số kỹ thuật cơ bản mà bạn sẽ được tiếp xúc khi tập luyện môn võ Taekwondo. Vì số lượng kỹ thuật cơ bản khá nhiều nên trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ giới thiệu sơ bộ về các kỹ thuật mà người tập cần thuần thục để thi từ Đai trắng Geup 8 lên Đai vàng Geup 7.

Các đòn tay

Có 4 động tác tay mà học viên Đai trắng Geup 8 cần thuần thục để thi lên Đai vàng Geup 7, trong đó có 1 động tác đấm (Jireugi - 지르기) và 3 động tác đỡ (Makgi - 막기). Cụ thể như sau:

Đấm trung đẳng 

Đòn đấm trung đẳng Momtong-jireugi (몸통 지르기), có hai biến thể là đấm trung đẳng thuận tay (몸통 반대 지르기 momtong-bandae-jireugi - tay đấm cùng chân bước) và đấm trung đẳng nghịch tay (몸통 바로 지르기 momtong-baro-jireugi - tay đấm không cùng chân bước).

Đòn đấm này có phạm vi trong khoảng từ trên mỏm mũi kiếm xương ức đến dưới vai và sức mạnh của đòn chủ yếu đến từ việc sử dụng sức mạnh của lực xoay hông và xoay cổ tay. 

Khi ra đòn, cổ tay phải được giữ chắc chắn theo phương hướng xuống so với cánh tay, 
lệch một góc nhỏ khoảng 5 độ. Nếu cổ tay bị cong lên hoặc cong xuống khi tiếp xúc, người tập có thể có nguy cơ bị bong gân, trật khớp hoặc thậm chí là gãy xương.

Đỡ hạ đẳng

Đòn đỡ hạ đẳng Arae-makgi (아래막기) là một trong những đòn đỡ Taekwondo cơ bản nhất và là một trong những kỹ thuật đầu tiên mà người mới bắt đầu sẽ học.

Ở tư thế chuẩn bị, cánh tay đỡ đòn được gập và đặt lên ngang vai, tay còn lại đặt tại hông đối diện. Khi thực hiện động tác, gạt thẳng cánh tay xuống với lòng bàn tay hướng xuống đất, ngăn chặn các đòn đá thấp và các đòn tấn công ở tầm thấp, tay còn lại giật về hông. 
Để động tác đạt hiệu quả cao nhất, bạn nhớ xoay hông và trả hông khi chuẩn bị và kết thúc động tác chặn, đồng thời giữ chắc và thẳng cổ tay khi thực hiện.

Đỡ trung đẳng

Đòn đỡ trung đẳng Momtong-makgi (몸통막기) có tác dụng làm chệch hướng đòn tấn công ở vị trí trung đẳng. Ví dụ, khi đối mặt với một cú đấm trung đẳng, đòn đỡ trung đẳng sẽ nhắm vào mặt trong cẳng tay của người tấn công để làm lệch hướng của đòn tấn công.

Đỡ thượng đẳng

Đòn đỡ thượng đẳng Olgul-makgi (올려막기) có tác dụng làm chệch hướng đòn tấn công hướng xuống như các đòn tấn công bằng gậy từ trên cao hoặc cú đấm vào mặt từ đối thủ cao hơn. 

Ở tư thế chuẩn bị, tay đỡ đòn bắt đầu ở vị trí trên thắt lưng đối diện với lòng bàn tay dạng nắm đấm hướng lên trên, tay còn lại đặt ở vai ngược lại với lòng bàn tay dạng nắm đấm hướng xuống dưới. Khi kết thúc động tác, cổ tay của tay đỡ đòn cách tâm trán một nắm đấm, tay còn lại giật về hông.

Đòn chân

Trong phạm vi Đai trắng Geup 8, học viên phải tập 2 đòn chân là đá tống trước Ap-chagi (앞차기) và đá chẻ Naeryeo-chagi (내려차기). 

Mặc dù trong quá trình khởi động, các thầy cô Huấn luyện viên sẽ cho các bạn tập một số đòn bổ trợ chân khác như: hất chân sau, tạt từ trong ra ngoài, tạt từ ngoài vào trong,... nhưng trong bài viết này tôi chỉ giới thiệu đến bạn hai đòn đá tống trước Ap-chagi và đá chẻ Naeryeo-chagi thôi vì đây là nội dung chính mà bạn cần nắm được để bước vào kỳ thi lên Đai vàng.

Đá tống trước Ap-chagi

Ap-chagi là một trong những đòn đá đầu tiên mà bạn được học trong Taekwondo, và nếu thành thạo thì nó có thể trở thành một trong những đòn đá mạnh nhất trong một số tình huống nhất định. 

Tùy địa phương mà các thầy cô Huấn luyện viên “Việt hóa” là đá tống trước hoặc đá búng chân để các bạn dễ hình dung về kỹ thuật, song thuật ngữ duy nhất được sử dụng cho đòn đá này chỉ có duy nhất “Ap-chagi”.

Đá chẻ Naeryeo-chagi

Naeryeo-chagi trong tiếng Anh là Axe kick vì nó có đặc điểm là một chân duỗi thẳng hạ xuống đối thủ giống như lưỡi rìu hoặc giống như chuyển động của một chiếc búa giáng xuống.

Đối với đẳng cấp Đai trắng, hầu hết các bạn chưa sử dụng được hết sức mạnh của cơ bắp và khớp hông nên các thầy cô Huấn luyện viên chỉ yêu cầu hất được chân thẳng lên trời và đặt xuống là đạt yêu cầu.

Tấn pháp

Về nội dung tấn pháp (서기 seogi), các tư thế cho người mới học võ Taekwondo bao gồm: tấn nghiêm (차렷 Charyeot - 모아서기 Moa-seogi), tấn song song (나란히서기 Naranhi-seogi), tấn chuẩn bị (기본준비 Junbi), tấn bước đi (앞서기 Ap-seogi) và tấn dài (앞굽이 Ap-gubi). 

Tấn nghiêm Charyeot

Tấn nghiêm Charyeot (차렷) hay Moa Seogi (모아서기) là tư thế đứng thẳng với hai chân khép chặt, hai đầu gối duỗi thẳng sát nhau, cạnh trong của hai bàn chân ép sát vào nhau theo suốt chiều dài của nó (từ đầu ngón chân cái đến hết phần gót sau), hay tay nắm hờ đặt xuôi theo cơ thể.

Từ tư thế này, các thầy cô Huấn luyện viên sẽ giải thích những gì được dạy trong buổi học. Ngoài ra, nếu thầy cô muốn bạn chú ý, họ nói charyeot (차렷), nghĩa là bạn phải dừng mọi việc đang làm và vào tư thế nghiêm để nghe hướng dẫn. 

Tấn song song Naranhi-seogi

Naranhi-seogi (나란히서기) là một kỹ thuật tấn cơ bản thường được sử dụng trước hoặc sau khi hết thúc bài tập hoặc trong tấn chuẩn bị.

Khoảng cách giữa hai chân bằng chiều dài của một bàn chân, cạnh trong của hai bàn chân song song với nhau, hai đầu gối duỗi thẳng, trọng lượng cơ thể dồn đều lên cả hai chân, trọng tâm cơ thể rơi vào giữa hai chân. 

Tấn chuẩn bị Junbi

Tấn chuẩn bị Junbi (기본준비) là tư thế sẵn sàng phổ biến nhất trong luyện tập môn võ Taekwondo. 

Từ tấn nghiêm (Moa Seogi) chân trái dịch chuyển sang trái một bàn chân để tạo thành tấn song song (Naranhi Seogi). Hai tay nắm chặt để ở trước phần bụng dưới, sát ngay dưới rốn, khoảng cách giữa hai nắm tay là một nắm đấm, khoảng cách giữa hai nắm tay và bụng dưới bằng một gang tay. 

Trung bình tấn Juchum-Seogi

Trung bình tấn Juchum-Seogi (주춤서기) là một thế tấn rất vững vàng và ổn định, cho nên nó được sử dụng rộng rãi trong cả các kỹ thuật phòng thủ lẫn tấn công. 

Khoảng cách giữa hai chân bằng chiều dài của hai bàn chân, cạnh trong của hai bàn chân song song nhau, hai đầu gối gập vừa phải sao cho có thể dễ dàng đứng lên, ngồi xuống, cẳng chân giữ thẳng đứng và vuông góc với mặt đất, tập trung nội lực và gồng cứng phần bụng dưới.

Tấn bước đi Ap-Seogi

Tấn bước đi Ap-Seogi (앞서기) được sử dụng để tiếp cận hoặc rút lui trong chiến đấu và quyền pháp. 

Giống như tư thế khi một người bước tới trước một bước rồi dừng lại, khoảng cách giữa hai chân (trước sau) bằng một bàn chân, cạnh trong của hai bàn chân (chân trước và chân sau) phải cùng nằm trên một đường thẳng, hai đầu gối duỗi thẳng và trọng lượng cơ thể được dồn đều lên cả hai chân. Chân sau mở ra ngoài khoảng 30 độ để đảm bảo trụ thăng bằng của tư thế. 

Tấn dài Ap-Gubi

Từ tấn song song (Naranhi Seogi), bước chân tới trước một bước dài (3 bàn chân, tính từ mũi chân sau tới gót chân trước), mũi bàn chân trái hướng thẳng tới trước, cẳng chân tạo với mặt đất một góc 90 độ. 

Chân còn lại duỗi thẳng gối, bàn chân hơi xoay ra ngoài nhưng không được vượt quá 30 độ. Trọng lượng cơ thể dồn lên chân trước (khoảng 70%).


Xem thêm về học võ Taekwondo tại: 


#sltninhbinh #hocvoninhbinh #dayvoninhbinh #taekwondoninhbinh #taekwondo #taekwondovietnam
Học võ Taekwondo
Published:

Học võ Taekwondo

Published:

Creative Fields